Microsoft bỗng nhiên trở thành một công ty mới mẻ, nhưng liệu điều đó có quá muộn?
Chỉ hai tháng sau khi Satya Nadella lên giữ chức vụ CEO mới, Microsoft dường như đang lột xác để trở thành một công ty hoàn toàn khác. Hãng đang dần chuyển mình để tiến tới tương lai, nhắm trực diện vào việc cải thiện trải nghiệm người dùng xuyên suốt nhiều nền tảng khác nhau, cùng với đó là đẩy mạnh chiến lược di động và điện toán đám mây.


Chỉ hai tháng sau khi Satya Nadella lên giữ chức vụ CEO mới, Microsoft dường như đang lột xác để trở thành một công ty hoàn toàn khác. Hãng đang dần chuyển mình để tiến tới tương lai, nhắm trực diện vào việc cải thiện trải nghiệm người dùng xuyên suốt nhiều nền tảng khác nhau, cùng với đó là đẩy mạnh chiến lược di động và điện toán đám mây.

Tất cả những gì Microsoft đã làm trong thời gian gần đây thật tuyệt vời, nhất là các cải tiến liên quan đến Windows, Windows Phone và Office. Tuy nhiên, liệu những điều đó có quá muộn hay không? Hồi tuần trước tại hội nghị lập trình viên thường niên BUILD 2014 diễn ra ở San Francisco, Microsoft đã giới thiệu phiên bản miễn phí của Windows và Windows Phone dành cho các thiết bị có màn hình từ 9" trở xuống, cụ thể hơn, đó sẽ là những dòng tablet cỡ nhỏ và smartphone.

Đây là một nước đi chưa từng có tiền lệ dưới thời Steve Ballmer, vị cựu CEO đã nghỉ hưu để nhường chỗ của mình cho Satya Nadella. Một ngày sau, hãng thông báo về quyết định chuyển một vài phần trong nền tảng .NET của mình thành mã nguồn mở, sẵn sàng chia sẻ với thế giới những dòng mã được giấu kín bấy lâu nay. Và nếu bạn chưa biết thì .NET framwork là một nền tảng lập trình khá phổ biến được dùng để viết ra nhiều ứng dụng chạy trên môi trường Windows.

Nó hỗ trợ nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau như VB.NET, C#, J#, C++.NET cũng như những ngôn ngữ web phổ biến. Những động thái nói trên trông thì có vẻ nhỏ đấy nhưng ở thế giới của Microsoft thì chúng là những thay đổi khổng lồ. Chuyện Microsoft cung cấp miễn phí một trong những sản phẩm hái ra tiền là điều gây bất ngờ nhất với toàn thế giới công nghệ, và việc hãng mở mã nguồn của .NET thì càng gây ngạc nhiên hơn nữa.

Trong suốt hai thập kỉ qua, Microsoft luôn luôn giữ khoảng cách với những thay đổi trong giới mã nguồn mở, thậm chí họ còn có nhiều nỗ lực chèn ép những phần mềm open source nữa kìa. Ngoài ra, một điểm đáng chú ý nữa của Microsoft trong hai tháng trở lại đây đó là việc công ty ra mắt bộ ứng dụng văn phòng Office dành cho iPad. Trước đây Steve Ballmer không cho ra mắt bộ công cụ này vì lo ngại rằng nó sẽ khiến người dùng mua iPad nhiều hơn, từ đó làm ảnh hưởng tiêu cực đến doanh số của tablet chạy Windows. Thế rồi Satya Nadella lên nắm quyền và bộ Office dành cho mẫu máy tính bảng của Apple đã xuất hiện. [​IMG]​ Tất cả những yếu tố nói trên cho chúng ta thấy rằng Microsoft cuối cùng cũng đã sẵn sàng để cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong tương lai. Nadella dường như đã túm được điểm yếu nhất của Microsoft và đẩy cả bộ máy về phía trước. Ông nhận ra rằng trong thế giới ngày nay, Microsoft buộc phải hoạt động một cách cực kì linh hoạt, tương tự như những gì Google đã và đang làm. Bạn sẽ không thể thành công nếu bạn cố ép cả thị trường phải sử dụng hệ điều hành đắt đỏ do bạn viết nên trong khi ngoài kia có hàng tá những giải pháp thay thế miễn phí. Thay vào đó, bạn phải mở rộng "đế chế" của mình bằng việc cung cấp các phần mềm tốt lẫn các công cụ phát triển miễn phí. Một khi đã làm được như vậy thì bạn có thể kiếm tiền bằng cách bán những thứ khác, ví dụ như dịch vụ web hay quảng cáo trực tuyến chẳng hạn.

Hiện nay Microsoft chẳng phải cũng đang kiếm tiền từ việc đăng kí gói dịch vụ Office 365 đấy sao. Trong nội bộ Microsoft, nhiều người đã từng đề ra những hướng đi như thế nhiều năm về trước. Nhưng đáng tiếc rằng dưới sự chỉ huy của Steve Ballmer, Microsoft đã để mất quá nhiều cơ hội khiến Google được dịp vượt lên dẫn đầu thị trường smartphone và tablet bằng hệ điều hành Android của mình. Apple cũng nhanh chóng bỏ xa Microsoft trong kỉ nguyên di động hậu PC. Sam Ramji, một cựu nhân viên Microsoft, cũng là một trong những người đã đưa ra đề xuất cải tiến cho công ty, tỏ ra nghi ngờ: "Thời gian đã thay đổi. Nhưng liệu những thay đổi này có còn kịp hay không?" Steve_Ballmer. ​ Điều không thể chối cãi - mặc cho Ballmer đã cố gắng phớt lờ nó trong nhiều năm - là Microsoft cần phải thực hiện những bước đi mới như thế để có được cơ hội chống trả lại các đối thủ khác đang vây xung quanh. Mark Russinovich - nhân viên cấp cao của Microsoft và cũng là một trong những kiến trúc sư trưởng của dịch vụ đám mây Windows Azure, cho biết rằng công ty ông đã sẵn sàng để thành công. Điều đó đã bắt đầu thông qua sự xuất hiện của bản Windows miễn phí vốn được thiết kế để không chỉ dùng trong smartphone, tablet, PC mà còn trên những thiết bị đeo được - xu hướng mới của thiết bị điện toán trong tương lai.

Nhờ hệ điều hành được cung cấp với bản miễn phí, Microsoft có thể bắt tay cùng các đối tác để nhanh chóng triển khai nền tảng Windows lên điện thoại, kính mắt, máy tính, và thậm chí là cả xe hơi nữa. Miễn có một thiết bị phù hợp thì Microsoft hoàn toàn có khả năng mang Windows vào, để rồi bán nội dung cũng như các dịch vụ trực tuyến để thu lợi nhuận. "Nếu bạn nhìn vào hướng mà mô hình kinh doanh đang thay đổi, bạn sẽ thấy rằng lợi nhuận không nằm ở các phần cốt lõi của hệ thống", Russinovich nói. "Bản thân thiết bị không phải là nơi ẩn chứa giá trị. Giá trị là ở những thứ mà bạn đặt lên bên trên phần cứng". Và thực chất đúng là như thế. Google, Apple đã chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng thứ mà họ có thể kiếm tiền đó là nội dung, là quảng cáo, là những thứ đặt lên trên một thiết bị thuần túy. Google hiện nay đã nhảy vào thị trường wearable, và nếu Microsoft quyết định cho ra đời Windows miễn phí vài năm về trước thì cục diện cuộc chơi giờ đây có lẽ đã thay đổi. Nói cách khác, việc cung cấp miễn phí Windows đã hơi trễ so với sự thay đổi của thế giới công nghệ. Nhiệm vụ của Microsoft nói chung cũng như CEO Nadella nói riêng đó là phải vạch ra một chiến lược phù hợp để tăng tốc cho Windows nếu không muốn tiếp tục bị các đối thủ cho ngửi khói. Cũng tương tự, bằng cách mở .NET framework, Microsoft có thể mang bộ khung lập trình của mình đến nhiều nhà phát triển hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các ứng dụng dành cho Windows, Windows Phone (cùng nhiều nền tảng khác của Microsoft) sẽ ngày một nhiều lên, người dùng cảm thấy hứng thú hơn và chọn dùng sản phẩm Microsoft nhiều hơn. Ngoài ra, việc mã nguồn mở hóa .NET còn giúp lập trình viên dễ hiểu hơn về cách hoạt động của nó. Như lời Russinovich nói thì trong lúc viết phần mềm, có một số lỗi mà bạn chỉ có thể khắc phục bằng cách hiểu về phương thức hoạt động của bộ khung mà bạn đang dựa vào đó để lập trình. "Một khi đã mở mã nguồn ra, bạn có thể đi vòng vòng nhìn vào code rồi nói: 'À, thì ra lỗi là do chỗ này'". net_framework. ​ Ông cũng đồng ý rằng việc .NET được mã nguồn mở hóa là chuyện rất hoan nghênh, nhưng ông lo ngại rằng chuyện này đã trễ rồi. Java đã trở thành sản phẩm mã nguồn mở từ lâu và nó được xài hết sức rộng rãi trong thế giới lập trình.

Điều đó khiến .NET phải rất vất vả mới bắt kịp tiến độ của những nền tảng lập trình mã mở khác trên thế giới. Vậy tóm lại Microsoft có muộn khi thực hiện những việc trên? Câu trả lời là có, hơi muộn, và như đã nói thì Microsoft còn rất nhiều việc phải làm để giúp các sản phẩm của mình đến được với nhiều người dùng hơn, nhất là trong thời buổi mà họ có rất nhiều nền tảng, hệ điều hành khác để lựa chọn chứ không bắt buộc phải tự trói mình vào Windows. Chúng ta hãy chờ xem Nadella sẽ giúp Microsoft tăng trưởng như thế nào, và biết đâu một ngày nào đó không xa công ty sẽ trở lại thời hoàng kim của mình thì sao?

Nguồn:TinhTe.vn

Tin khác
  • Creating the solution - Building your business
3
439023
Copyright 2004 - 2024 © Applied Business Solutions.Thiết kế và phát triển bởi GSS